Theo thống kê hiện nay, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn thị trấn Núi Thành 14,7 tấn/ngày, Tỷ lệ thu gom đạt trên 80%. Vì vậy việc giảm thiểu, phân loại, chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để giảm áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác là vô cùng quan trọng. Đây cũng là chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc triển khai các hoạt động về bảo vệ môi trường.
Với mục tiêu từng bước xây dựng thị trấn Núi Thành "nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh; giữ được sự cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc". Bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, thị trấn Núi Thành đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là trong công tác phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Để góp phần triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu phương án thu gom phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn thị tấn cũng như việc thực hiện tốt công tác phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt quy mô hộ gia đình như quy định của Luật Bảo vệ môi trường, qua buổi tập huấn sẽ giúp nhìn nhận rõ nét hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phân loại, thu gom, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và các biện pháp giảm thiểu hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần.
Những vấn đề trên đã được cụ thể hóa tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020: "Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định".
Đồng thời, qua đó xác định được vai trò, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với các nội dung trên. Từ đó, Mặt trận các đoàn thể sẽ tuyên truyền, vận động và triển khai đến gia đình, cộng đồng dân cư cùng thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe Bà Bùi Thị Hồng – Phó trưởng phòng tài nguyên môi trường hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thực hiện các biện pháp giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt, cách sử dụng Sổ tay điện tử.
Qua buổi tập huấn đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân địa phương trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, hệ sinh thái và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; thay đổi hành vi, thói quen của cộng đồng dân cư trong công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.